Học được những kiến thức, kinh nghiệm làm gốm của các vị cao niên trong làng và nghệ nhân đương đại ở nhiều nơi, anh Nguyễn Viết Lâm (cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy, phường Thanh Hà, TP.Hội An) đã khôi phục thành công dòng sản phẩm gốm men tuyệt đẹp của làng nghề này.
Nguyễn Viết Lâm cho biết, sản xuất gốm là nghề truyền thống của gia đình nên khi còn nhỏ anh đã say mê những bình hoa, dĩa men gốm làm ra từ đôi tay tài hoa của bà cố mình. Có lịch sử hình thành hơn 500 năm nhưng sự phát triển của xã hội, cùng với sự ra đời của các vật dụng làm từ nhôm, inox… đã khiến làng gốm Thanh Hà có thời điểm ảm đạm, nhiều người trẻ không còn theo nghề.
“Bà cố bảo rằng, gốm Thanh Hà vốn có 3 dòng sản phẩm là gốm đỏ, gốm sành và gốm men. Trong đó, kỹ thuật làm gốm men khó nhất, giá thành cao ít người mua nên thất truyền. Tiếc nuối vì mất đi kỹ thuật tinh hoa này nên cha rồi đến tôi cố gắng phục dựng lại” – Lâm nói.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT, Lâm không như nhiều bạn trẻ cùng lứa chọn con đường tiếp tục học cao hơn, mà quay về với đất sét, lò nung, chấp nhận chọn công việc chân tay luôn lấm lem để giữ nghề cha ông.
Để có khách hàng và duy trì nghề, Nguyễn Viết Lâm tìm cách cách tân mẫu mã đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Song hành với đó, chàng trai trẻ này cùng cha mình bôn ba đi học hỏi các làng nghề gốm khác trên cả nước.
Có duyên với nghề, gia đình Nguyễn Viết Lâm được những người bạn Nhật Bản giới thiệu, truyền dạy kỹ thuật, quy trình làm gốm men trứ danh của xứ sở Phù Tang. Kết hợp với nền tảng kiến thức về gốm được gia đình trao truyền, Lâm đã tìm ra công thức phù hợp tạo nên chất men cho sản phẩm gốm giống như người xưa của làng Thanh Hà từng làm.
Theo anh Lâm, dù cùng một mẫu mã nhưng mỗi sản phẩm qua bàn tay nghệ nhân đều có điểm nhấn sáng tạo riêng. Nếu phát huy được việc này sẽ giúp cho gốm men Thanh Hà có chỗ đứng trong giới làm gốm của Việt Nam.
Nhận thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng trai trẻ, UBND TP.Hội An đã hỗ trợ cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy kinh phí xây dựng lò nung hiện đại, đưa đi học tập kinh nghiệm các nơi. Từ “bà đỡ” này, gia đình Nguyễn Viết Lâm đã nâng tầm dòng sản phẩm gốm men trứ danh của Thanh Hà lên thành sản phẩm OCOP 3 sao.
“Theo ý nguyện của bà cố, sản phẩm được làm ra làm sao phải giữ được nét đẹp xưa của gốm Thanh Hà. Và tôi chỉ cải tiến thêm về sự đa dạng mẫu mã, chất lượng của men gốm để sản phẩm luôn hấp dẫn, trở thành tác phẩm nghệ thuật” – anh Lâm chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy có hơn 200 mẫu mã thuộc dòng gốm men, mỗi năm tiêu thụ hơn 500 sản phẩm các loại, không chỉ cung cấp cho thị trường ở Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn xuất khẩu gốm qua Mỹ, Pháp…
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, chính những người trẻ như Nguyễn Viết Lâm là nhân tố quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống. Lâm đã không ngừng sáng tạo nên những sản phẩm mới lạ, độc đáo hòa cùng vào nét đẹp văn hóa xưa.
“Thành phố sẽ phát huy hơn nữa tài năng sáng tạo trong cộng đồng. Chính quyền sẽ tạo môi trường, cơ hội để phục hồi và phát triển dòng men mới cũng như những giá trị truyền thống quý giá của TP.Hội An. Bên cạnh đó, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sĩ bằng những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp” – ông Lanh nói.